TRONG ĐÊM HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ DO MƯA TO, NGẬP ÚNG, SẠT LỞ ĐẤT
Thứ tư - 28/09/2022 23:23
Do ảnh hưởng cơn bão Noru, trên địa bàn thị trấn Thanh Chương có mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt một số khu vực dân cư, cơ quan, đơn vị và sạt lở đất ở một số hộ gia đình tại Khối 1A và Khối 2A.
Trước tình hình đó, ngay trong đêm 28/9/2022, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị trấn đã kịp thời huy động lực lượng quân sự, công an, dân quân hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, các hộ dân bị ngập úng cục bộ, các gia đình bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở đất di dời người và tài sản đến khu vực an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Lam, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị trấn, phó ban thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị trấn cho biết: “Trong đêm 28/9, trên địa bàn thị trấn có 02 hộ dân được di dời khẩn cấp do sạt lở đất phía sau nhà. Tài sản của các hộ sau đó cũng được chúng tôi di chuyển về nơi an toàn. Cũng trong đêm 28/9, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ Văn phòng đăng ký, sử dụng đất đai huyện Thanh Chương di chuyển tài sản, hồ sơ tài liệu đến nơi an toàn do bị ngập úng cục bộ. Đồng thời chúng tôi tổ chức lực lượng thường xuyên túc trực, tuần tra để đảm bảo không có người dân nào bị cô lập do ngập cục bộ và sẽ sơ tán ngay các gia đình có nguy cơ sạt lở đất”.
Trước đó, ngày 26/9/2022, UBND thị trấn đã ban hành Công văn về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn; Ban chỉ huy Quân sự thị trấn; Công an thị trấn; Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thị trấn và Ban chỉ huy 07 khối cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biễn, tình hình thời tiết, nhất là hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét và sạt lở đất để thông báo kịp thời và chỉ đạo nhân dân chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại.
Tiến hành rà soát các khu dân cư ven sông, đập, ao hồ, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Thường xuyên tuyên truyền qua đài phát thanh phổ biến, hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa lớn kèm dông, lốc, sét, lũ quét và sạt lở đất để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, khu dân cư tập trung; Kiểm tra và kịp thời có các phương án xử lý tại các công trình, dự án đang thi công đảm bảo an toàn cho công trình; Ban chỉ huy 07 khối tập trung tuyên truyền bà con nhân dân có các biện pháp phòng chống, cần chú trọng xử lý, bảo quản thiết chế văn hóa nhất là hệ thống tăng âm, loa máy tại các hội quán các khối; Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về UBND thị trấn để kịp thời xử lý.